Ngũ giới để hoàn thiện nhân cách – Phần 3

PHẦN 3: ĐIỀU GIỚI TRÁNH XA SỰ TRỘM CẮP

Tiêu chuẩn của nhân thiên, thiện ác là ngũ giới, thập thiện.

Ngũ giới gồm:

  • Không sát sinh
  • không trộm cắp
  • không tà dâm
  • không nói dối
  • không uống rượu, bia và các chất say.

Thập thiện nghiệp ở đây có ý muốn chỉ là 10 nghiệp lành bao gồm:

  • Không sát sinh
  • Không trộm cắp
  • Không tà dâm
  • Không nói dối
  • Không nói thêu dệt
  • Không nói lưỡi hai chiều
  • Không nói lời hung ác
  • Không tham lam
  • Không giận hờn
  • Không si mê

Trong ngũ giới kể trên, hôm nay bài viết sẽ đi sâu phân tích vào giới thứ hai, là “điều giới tránh xa sự trộm cắp”.

1. Giới không trộm cắp là gì?

Trong Kinh Phật nói rất rõ ràng, rất tường tận: “Bất thâu đạo” hay “không trộm cướp”. Nghĩa là, phàm là vật có chủ, bạn chưa thương lượng với chủ nhân, chưa được sự đồng ý của chủ nhân, bạn đã lấy vật đó làm của mình bằng cách trộm-cắp, cướp giật, lường gạt, đánh tráo, lừa dối, v.v…. Bạn liền phạm điều-giới trộm cắp.

Để thực sự phạm vào điều giới trộm cắp, một người cần phải hội tụ đủ 5 chi-pháp sau:

  • Của cải có chủ giữ gìn.
  • Biết rõ của cải có chủ giữ gìn.
  • Tâm nghĩ trộm-cắp.
  • Cố gắng trộm-cắp.
  • Lấy được của cải ấy do sự cố gắng.

Nếu người nào có đầy đủ 5 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới trộm-cắp. Nếu không đủ 5 chi-pháp thì không phạm điều-giới trộm-cắp.

Giảng giải:

Của cải: Đó là các thứ tài sản tiền của, vàng bạc châu báu, …; các thú vật như voi, ngựa, trâu, bò, …; các thứ sở hữu trí tuệ, … là những thứ của cải giá trị có chủ.

Tâm nghĩ trộm cắp, có 2 cách:

  • Bằng thân: tự mình chiếm đoạt của cải người khác.
  • Bằng khẩu: dùng lời nói lường gạt, hoặc sai khiến người chiếm đoạt của cải người khác đem về cho mình.

Cố gắng trộm-cắp có 6 cách:

  • Do chính mình trộm-cắp của cải người khác.
  • Sai khiến người trộm-cắp của cải người khác.
  • Ném hàng hóa, đồ đạc qua các trạm thu thuế, cửa khẩu,… để trốn thuế.
  • Sai khiến người rằng: “Chờ có cơ hội hãy trộm-cắp của cải ấy” không hạn định thời gian.
  • Dùng bùa chú, thuốc mê làm cho người chủ mê muội, rồi chiếm đoạt của cải.
  • Dùng thần thông lấy nước hồ để uống

2. Ác nghiệp nặng – nhẹ khi phạm giới trộm cắp:

Ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ của điều- giới trộm-cắp được căn cứ vào giá trị của cải, tài sản nhiều hoặc ít; và căn cứ vào chủ nhân có giới đức hoặc không có giới đức.

  • Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản có giá trị nhiều thì ác-nghiệp nặng.
  • Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản có giá trị ít thì ác-nghiệp nhẹ.
  • Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của bậc xuất gia sa-di, tỳ-khưu thì ác-nghiệp nặng.
  • Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của người tại gia cư sĩ thì ác-nghiệp nhẹ.
  • Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của cá nhân thì ác-nghiệp nhẹ.
  • Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của chung, của nhà nước thì ác-nghiệp nặng.
  • Nếu người trộm-cắp tài sản của bậc Thánh- nhân thì ác-nghiệp nặng.
  • Nếu người trộm-cắp tài sản của hạng phàm- nhân thì ác-nghiệp nhẹ.
  • Nếu người trộm-cắp của cải, tài sản của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thì ác-nghiệp nặng hơn cả.

3. Trộm cắp có 5 hình thức:

  • Cướp lấy: Là dùng sức mạnh mà đoạt tài vật của người khác một cách ngang nhiên, công khai, ngay trước mặt khổ chủ, mặc kệ những sự chống đối, van xin của họ.
  • Trộm lấy: Là tránh né sự có mặt của chủ món tài vật, hoặc là lựa lúc họ không chú ý, lén lút lấy đem đi.
  • Hăm dọa để đoạt lấy: Biết được ai đó có điều bí ẩn mà họ lại muốn giấu giếm, bèn hăm dọa để đòi họ phải đút lót cho mình tiền bạc hoặc món đồ mà mình muốn.
  • Lừa dối mà lấy: Là lợi dụng lòng tin của người mà lừa gạt người để lấy được món tài vật mà mình muốn.
  • Gian dối để lấy: Đôi khi người ta làm những việc nho nhỏ, tưởng là không đáng kể, nhưng lại phạm vào Giới trộm cắp. (Ví dụ: Tại công sở có nhiều bút viết, một người thấy nhiều nên lấy 1, 2 bút mang về dùng cho mục đích riêng hoặc để cho người khác. Việc này tuy nhỏ, nhưng trong nhà Phật đã được coi là phạm giới trộm cắp).

4. Quả báu của người không phạm giới trộm cắp:

Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác-ý tránh xa sự trộm-cắp”.

–  Sau khi người ấy chết, đại-thiện- nghiệp không trộm-cắp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.

– Hoặc sau khi người ấy chết, đại- thiện-nghiệp không trộm-cắp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi vị chư-thiên chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.

Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp trong kiếp quá-khứ của người ấy, đáng hài lòng.

Trong Chú-giải Tiểu dụng có giảng giải về 11 quả báu của đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp trong kiếp quá-khứ của một người.

Theo đó, Kiếp hiện-tại của người giữ đại thiện nghiệp không trộm cắp sẽ có được những điều sau:

  • là người có nhiều của cải quý giá, giàu sang.
  • có đầy đủ của cải, tài sản như lúa gạo, vàng bạc, châu báu,…
  • là người có nhiều của cải, tài sản lớn lao, giàu sang phú quý, tiêu dùng không sao hết được.
  • nếu chưa có thứ của cải nào thì sẽ có thứ của cải ấy.
  • đã có những thứ của cải quý giá nào như vàng bạc, ngọc ngà, châu báu,… rồi, thì những thứ của cải quý giá ấy được giữ gìn duy trì bền vững lâu dài.
  • mong muốn những thứ của cải quý giá nào, thì chắc chắn mau chóng thành tựu như ý.
  • có được những thứ của cải, tài sản lớn lao mà không bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, không do nước lũ cuốn trôi, không do kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không do nhà Vua tịch thu, không do người không ưa thích chiếm đoạt.
  • khi đã có của cải tài-sản rồi, chính mình là người sở hữu của cải tài-sản ấy, không có liên quan với người khác.
  • là người có khả năng chứng đắc được pháp siêu-tam-giới (4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn).
  • là người không thường nghe đến danh từ “không có”, bởi vì muốn thứ nào thì có ngay thứ ấy.
  • là người sống được an-lạc.

Đó là 11 quả báu tốt của đại-thiện- nghiệp không trộm-cắp mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.

5. Quả Xấu Của Ác-Nghiệp Của Người Phạm Giới Trộm-Cắp

Người nào phạm điều-giới trộm-cắp lấy trộm của cải tài sản của người khác dù ít dù nhiều cũng tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

–   Nếu có ác-nghiệp trộm-cắp nặng, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác-giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có dục-giới đại-thiện-nghiệp nào khác có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

–   Và trường hợp, nếu người nào phạm điều- giới trộm-cắp, tạo ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ, người ấy sau khi chết, ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện-nghiệp ở kiếp quá khứ nào đó có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp trong kiếp quá-khứ của người ấy.

Quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp có 11 quả xấu là hoàn toàn trái ngược với quả tốt của đại- thiện-nghiệp không trộm-cắp.

Theo đó, kiếp hiện tại của người phạm giới trộm cắp sẽ có những quả xấu sau:

  • là người không thể có những thứ của cải quý giá.
  • là người thiếu thốn những nhu yếu phẩm như lúa gạo, tiền bạc, đồ dùng, v.v…
  • là người nghèo khổ túng thiếu của cải.
  • là người không phát triển được những thứ của cải.
  • là người khi làm ra được của cải quý giá, thì không giữ gìn được lâu dài.
  • là người không thể có được thứ của cải mà mình mong muốn.
  • là người khi có được của cải, thì thường bị thiệt hại do lửa thiêu cháy, do nước lũ cuốn trôi, do kẻ trộm chiếm đoạt, do nhà nước tịch thu, v.v…
  • là người có được của cải thì cũng liên quan đến nhiều người, không riêng cho mình được.
  • là người khó chứng đắc được 9 pháp siêu- tam-giới (4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn).
  • là người thường nghe đến danh từ “không có”.
  • là người sống không được an-lạc.

Đó là 11 quả xấu của ác-nghiệp trộm-cắp mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.

6. Thay lời kết về điều giới tránh xa sự Trộm cắp

Phật dạy rằng: “Bất luận trí tuệ của người ấy cao thế nào, thiền định của người ấy sâu thế nào, nếu tâm trộm cắp không đoạn trừ, chẳng những không thể ra khỏi trần lao, mà kết quả chắc chắn lạc vào đường tà, vĩnh viễn trầm luân trong sanh tử”. 

Nhà Phật tin rằng tất cả mọi sự việc xảy ra trong đời đều dính mắc nhân quả với nhau. Bất cứ một việc thiện hay ác nào cũng đều có nhân quả báo ứng. 

Về việc giữ gìn cho khỏi phạm Giới trộm cắp thì chẳng những tài vật của người dân không được trộm lấy, mà bất cứ tài vật có chủ nào, dù là tài vật của quỷ thần, của giặc cướp, một vật dù nhỏ bé như cây kim, ngọn cỏ, cũng không được cố ý trộm cắp. 

Suy cho cùng, giá trị đạo đức của con người là biết sống thiện, tức là sống đạo đức, sống bằng sự nỗ lực tinh cần tự làm ra của cải vật chất  “do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, do thâu hoạch đúng pháp” như Đức Phật từng dạy. Có như vậy, chúng ta mới bảo đảm sự công bằng về sở hữu trí tuệ và sở hữu vật chất của mỗi cá thể, của một cộng đồng. Có công bằng thì mới bảo đảm sự hạnh phúc cho mọi người. 

Viết một bình luận