Ngũ giới để hoàn thiện nhân cách – Phần 2

PHẦN 2: ĐIỀU GIỚI TRÁNH XA SỰ SÁT SINH.

Chi-pháp của mỗi điều giới

Mỗi điều-giới có những chi-pháp riêng biệt, muốn biết mình có phạm điều-giới nào đó hay không, cần phải căn cứ vào những chi-pháp của mỗi điều-giới ấy.

Nếu người nào hội đủ các chi-pháp của điều-giới ấy thì người đó đã phạm điều-giới đó, nếu thiếu chi-pháp nào trong các điều-giới ấy thì không gọi là phạm điều-giới đó.

Trong ngũ giới, giới không sát sinh là giới đầu tiên. Giới không sát sinh bao gồm không giết hại từ người tới các loài động vật nhỏ bé như kiến. Không những không giết hại mà còn không làm tổn thương, đau đớn cho con người và các loài.

1. Các chi-pháp của Giới Không Sát Sinh:

Một người nếu có đầy đủ 5 chi-pháp sau thì người ấy phạm điều giới sát sinh. 5 chi-pháp đó gồm:

  • Chúng sinh có sinh mạng.
  • Biết rõ chúng sinh có sinh mạng.
  • Tâm nghĩ giết hại chúng sinh.
  • Cố gắng giết hại chúng sinh.
  • Chúng sinh ấy chết do sự cố gắng.

Giảng giải:

Tất cả chúng sinh trên đời này đều có sinh mạng, dù lớn dù nhỏ, sinh mạng này phát sinh do nghiệp. Còn các loài thực vật, cỏ cây, núi rừng… đều không có sinh mạng.

Chúng-sinh có sinh mạng:

Chúng sinh có sinh mạng là chúng sinh có đủ thân và tâm, trong thân có sắc-mạng-chủ và trong tâm có danh-mạng-chủ.

  • Sắc-mạng-chủ có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có phận sự bảo hộ, duy trì thân trong mỗi kiếp chúng-sinh.

Sắc-mạng-chủ bị hạn định trong mỗi kiếp chúng-sinh, không liên quan với kiếp sau.

  • Danh-mạng-chủ có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng theo các lộ-trình- tâm. Danh-mạng-chủ có phận sự bảo hộ danh- pháp (tâm và tâm-sở) từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp quá-khứ đến kiếp hiện-tại.
  • Nếu chúng-sinh ấy chết thì danh-mạng-chủ đó là tâm-sở đồng sinh với tâm rời khỏi thân. Thân không còn sắc-mạng-chủ, nên thân trở thành thi-thể, xác chết.

Như vậy, người sát hại chúng-sinh đúng theo sự thật chân-nghĩa-pháp đó là chỉ việc cắt đứt sắc-mạng-chủ thuộc về sắc-pháp của kiếp chúng-sinh ấy mà thôi. Còn danh-mạng-chủ đồng sinh với tâm có trạng-thái sinh rồi diệt liên tục không ngừng. Từ kiếp này sang kiếp khác, luân-hồi trong 3 giới 4 loài, tuỳ theo nghiệp và quả của nghiệp của mỗi chúng-sinh, nên danh-mạng-chủ không thể bị cắt đứt được.

Do đó, đối với một chúng sinh có sinh mạng, và một người biết rõ chúng sinh đó có sinh mạng, nhưng vẫn nảy sinh tâm muốn giết hại chúng sinh, người đó đã phạm vào 3 chi-pháp đầu trong điều giới sát sinh.

Ví dụ về chúng sinh không có sinh mạng:

  • Dùng thuốc để diệt vi-khuẩn, vi-trùng không phạm điều-giới sát-sinh; bởi vì vi-khuẩn, vi-trùng không có sinh-mạng cũng không có tâm-thức. Các vật ấy chỉ có tứ-đại (đất, nước, lửa, gió) phát sinh do thời tiết nóng lạnh, bên trong, bên ngoài, được phát triển tăng trưởng do hỏa-đại, di chuyển do phong-đại. Cũng như các loài thực vật (cây, cỏ,…) cũng không có sinh-mạng, không có tâm-thức.

Tâm muốn giết hại chúng sinh là gì?

Tâm này được thể hiện theo 2 cách:

  • Bằng thân: Tâm sinh ác ý muốn tự chính mình giết hại chúng sinh ấy.
  • Bằng khẩu: Tâm sinh ác ý sai khiến người khác giết hại chúng sinh ấy.

Cố gắng giết hại chúng sinh có 6 cách:

  • Tự mình giết hại chúng-sinh.
  • Sai khiến người khác giết hại chúng-sinh bằng lời nói, bằng chữ viết, hoặc bằng cách ra hiệu, v.v…
  • Phóng lao, ném dao, bắn tên, bắn súng, v.v… làm cho chúng-sinh ấy chết.
  • Người làm ra những thứ vũ khí với mục đích để giết hại chúng-sinh có tính cách lâu dài như đào hầm, đặt bẫy, rèn gươm giáo, đúc súng đạn, bom, thuốc độc, v.v… Hễ khi nào có người sử dụng những thứ vũ khí ấy, thuốc độc ấy để giết hại chúng-sinh, thì người tạo ra những thứ này phạm điều-giới sát-sinh, bởi vì, người ấy có tác-ý trong ác-tâm giết hại chúng- sinh có tính cách lâu dài.
  • Sử dụng bùa chú, phù phép, trù ếm, v.v… làm cho chúng-sinh ấy chết.
  • Sử dụng phép thuật của mình giết hại chúng-sinh.

Chúng sinh chết do sự cố gắng:

Là những chúng sinh bị chết do người khác có tâm muốn giết hại và cố gắng thực hiện các hành vi để giết hại chúng sinh đó. Hoặc sai khiến người khác thực hiện hành vi sát sinh cho đến khi chúng sinh đó chết.

Ví dụ:

  • Một con chó đang bị thương nặng, một người chỉ muốn đánh đuổi nó đi chỗ khác, nhưng không may đánh vào vết thương, khiến con chó bị chết. Người này không phạm giới sát sinh, do không có tâm muốn giết hại con chó.
  • Một người đi chợ, chỉ vào một con cá và bảo người bán cá giết con cá này giúp người đó. Lúc này, cả người bán cá và người mua cá đều phạm vào giới sát sinh do hội đủ 5 chi-pháp kể trên. Ở chi-pháp thứ 4, người mua và người bán đều cố gắng chủ tâm giết hại con cá; tại chi-pháp thứ 5, con cá chết do sự cố gắng giết hại của cả người mua lẫn người bán.

2. Quả báu của giới không sát sinh:

Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác-ý tránh xa sự sát-sinh”.

  • Sau khi người ấy chết, dục-giới đại-thiện- nghiệp không sát-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.
  • Hoặc sau khi người ấy chết, đại- thiện-nghiệp không sát-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi vị chư-thiên chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp dục-giới đại-thiện-nghiệp không sát- sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.

Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không sát-sinh trong kiếp quá-khứ của người ấy.

Trong Chú-giải Tiểu dụng có giảng giải về 23 quả báu của đại-thiện-nghiệp không sát sinh trong kiếp quá-khứ của một người.

Theo đó, Kiếp hiện-tại của người giữ giới không sát sinh sẽ có được những điều sau:

  • có thân hình không tật nguyền, đầy đủ các bộ phận lớn nhỏ trong cơ thể.
  • có thân hình cân đối xinh đẹp.
  • là người nhanh nhẹn.
  • có lòng bàn tay, lòng bàn chân đầy đặn.
  • có thân hình xinh đẹp, không tỳ vết.
  • có da thịt mềm mại, hồng hào.
  • có thân hình sạch sẽ, trong sáng.
  • có đại-thiện-tâm dũng cảm, không sợ hãi.
  • có sức khỏe dồi dào.
  • có giọng nói thanh tao, lời nói ngọt ngào, suôn sẻ.
  • được mọi người quý mến.
  • có thuộc hạ tùy tùng, bạn bè đoàn kết thương yêu.
  • thân tâm được an-lạc tự tại, không hoảng sợ.
  • không bị tai nạn do khí giới, thuốc độc…
  • có trí-tuệ sáng suốt.
  • có nhiều bạn bè thân thiết.
  • có thân hình đẹp đẽ, đáng quý mến.
  • có các bộ phận lớn nhỏ trong thân thể đẹp đẽ.
  • là người ít bệnh hoạn ốm đau.
  • là người có tâm thường an-lạc.
  • là người thường được sống gần gũi với con cháu.
  • là người được trường thọ, sống lâu.
  • không có một ai có thể mưu sát được.

Đó là 23 quả báu tốt của đại-thiện- nghiệp không sát-sinh mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.

3. Quả xấu của ác nghiệp của người phạm giới sát sinh:

Nếu người nào phạm điều-giới sát-sinh, giết hại sinh-mạng của chúng-sinh, dù lớn dù nhỏ thì người ấy cũng đã tạo ác-nghiệp sát-sinh.

  • Nếu có ác-nghiệp sát-sinh nặng, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp sát-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới. Người này sẽ chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi  được cõi ác-giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào đó ở các kiếp trước nữa có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

  • Và trường hợp, nếu người nào phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh nhẹ, người ấy sau khi chết, ác-nghiệp sát-sinh nhẹ ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại- thiện-nghiệp nào đó ở các kiếp trước nữa có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh trong kiếp quá-khứ của người ấy.

Quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh có 23 quả xấu, hoàn toàn trái ngược với quả tốt của đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.

Theo đó, kiếp hiện tại của người phạm giới sát sinh sẽ có những quả xấu sau:

  • có thân hình tật nguyền.
  • có thân hình không cân đối, xấu xí.
  • là người chậm chạp.
  • có lòng bàn tay, và dưới lòng bàn chân lõm sâu.
  • có thân hình xấu xí, đầy sẹo.
  • có sắc diện tối tăm.
  • có da thịt sần sùi.
  • có tính hay sợ hãi.
  • có sức khỏe yếu đuối.
  • có tật cà lăm, nói lặp đi lặp lại, không suôn sẻ.
  • bị mọi người ghét bỏ.
  • có những thuộc hạ tùy tùng bị chia rẽ.
  • có tính hay giật mình, hoảng sợ.
  • thường bị tai nạn do khí giới, thuốc độc…
  • là người si mê, ngu dốt.
  • có rất ít bạn bè.
  • có thân hình dị hợm, đáng ghê sợ.
  • có thân hình kỳ dị.
  • là người hay bệnh hoạn ốm đau.
  • là người thường sầu não, lo sợ.
  • có con cháu thường xa lánh.
  • là người bị chết yểu.
  • là người bị người khác giết chết.

Đó là 23 quả xấu của ác-nghiệp sát-sinh mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.

4. Thay lời kết về điều-giới tránh xa sự sát sinh:

Sự sống là vô cùng quý giá, nên Đức Phật luôn luôn tôn trọng sự sống của bất cứ loài nào, từ sự sống của côn trùng cho đến của cỏ cây. Kinh sách dạy rằng Ngài không đổ các đồ ăn dư thừa của mình trên bãi cỏ xanh hay trong nước có các loài côn trùng nhỏ. Do vậy, Đức Phật khuyên chúng ta không nên sát sinh vì rằng mọi chúng sanh hữu tình đều sợ chết và xem sự sống là điều quý báu nhất trên đời.

Giết hại chúng sinh tức là gây cho chúng sinh sự đau đớn về thân thể và sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị đe dọa và xâm phạm. Hơn nữa, cái chết của một chúng sinh luôn luôn đồng nghĩa với sự chia lìa thân quyến. Khi một chúng sinh bị đe dọa đến mạng sống, chúng cũng có những phản ứng tự vệ, ít nhất là phát ra những nỗi oán hờn thù hận đến những ai định tâm sát hại chúng. 

Thượng tọa Thích Giác Khang có một bài kệ rằng:

Thú kia nó cũng là thân

Có xương, có thịt, có phần như ta

Đánh đau chúng nó kêu la

Tiếng kêu đứt ruột, Tiếng la xé lòng.

Hoặc như trong Kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy chúng ta rằng:

Hình phạt ai cũng sợ

Mất mệnh, ai cũng khiếp

Lấy ta suy ra người

Chớ giết, chớ bảo giết

Vì thế, thay vì khởi tâm sát sinh, mỗi người chúng ta cần nên nuôi dưỡng tâm từ bi của mình, yêu thương muôn loài như yêu thương cha mẹ, anh em, bạn bè, họ hàng thân thích của mình. Thay vì sát sinh mỗi người nên lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh, để cứu thoát những loài hữu tình khỏi kiếp nạn, khỏi sự chia lìa, khỏi sự uất hận, thù nghịch.

Bài viết được dựa theo quyển "Ngũ giới là thường giới của mọi người".

Viết một bình luận