Đừng nghĩ chỉ cần lấy chồng “chủ tịch” là sẽ hạnh phúc – 7 nguyên tắc chọn chồng của phụ nữ thông minh

Đối với mỗi người phụ nữ, việc lấy được một tấm chồng tốt, hết mực yêu thương mình, luôn đặt gia đình ở vị trí ưu tiên số một là một việc vô cùng khó khăn, thậm chí có những người cả đời cũng không tìm được. Để lựa chọn chồng đúng là cả một quá trình tìm hiểu, thời gian tiếp xúc, cùng nhau thấu hiểu để xem đó có phải người phù hợp đồng hành cùng hay không, vì trong thực tế sự phù hợp không đến từ sự hào nhoáng bên ngoài.
Với tôi, có một số nguyên tắc chọn chồng sau đây, xin chia sẻ để các bạn tham khảo:

  1. Chọn người dám vì bạn mà tiêu tiền
    Là phụ nữ ai cũng mong muốn có cuộc hôn nhân hạnh phúc, người chồng giỏi giang và giàu có nên họ rất dễ xiêu lòng trước những người đàn ông thành đạt.
    Tiền bạc – thứ được ví như bộ mặt, câu chuyện của người đàn ông, nó thể hiện những trải nghiệm quá khứ công việc của người đàn ông khi bươn trải sự đời. Hãy để ý vào cách mà người đàn ông tiêu tiền cho người phụ nữ, điều đó sẽ thể hiện tầm quan trọng của người phụ nữ trong lòng anh ta. Không thiếu những trường hợp người đàn ông tiền kiếm như nước nhưng lại keo kiệt và kẹt sỉ, đáng nói hơn là chính với vợ anh ta cũng vậy. Người đàn ông tuýp này tính toán từng đồng, từ tiền ăn tiền uống đến tiền mua sắm đồ dùng, phụ nữ sẽ rất khổ nếu phải sống với những người như thế này.

Khi biết chị Trương Thu Thủy (Đống Đa) chủ động đệ đơn xin ly hôn, bạn bè, họ hàng hết sức ngỡ ngàng. Anh Đủ – chồng chị vừa đẹp trai, cư xử nhã nhặn vừa sở hữu công ty lớn, kiếm được tiền, nhà đẹp, xe đẹp. Hơn nữa, chưa một lần họ nghe thấy chuyện anh Đủ có mối quan hệ lăng nhăng bên ngoài. Anh cũng không uống rượu, không hút thuốc, càng không thích la cà nhậu nhẹt, chơi bời bên ngoài. Trừ những lúc miễn cưỡng đi tiếp khách, các buổi chiều anh đều về nhà giúp chị đón con, cũng không nề hà làm việc nhà. Một người chồng mẫu mực như vậy vốn đã “tuyệt chủng”, vậy mà chị Thủy lại may mắn “khai quật” được, thế nên mọi người trách chị Thủy hồ đồ. Song tâm sự với vài người bạn thân, chị Thủy chỉ cười buồn: “Mình biết tất cả những điều anh ấy làm hầu hết đều vì gia đình. Nhưng đáng tiếc những cái phúc đấy khiến mình không cười nổi”.

Hồi mới quen nhau, anh Đủ cũng không thường xuyên tặng hoa, tặng quà chị nhưng vẫn khiến chị Thủy cảm động vì những món quà giản dị, bất ngờ. Thậm chí, ngày sinh nhật, anh còn lên chợ Quảng Bá, tự mua hoa về kết lẵng trái tim tặng chị. Nhưng cưới nhau về, chị mới bắt đầu nhìn thấy những thói quen “sắt đá” của chồng. Câu cửa miệng anh nhắc vợ chính là “tiết kiệm”. Nước rửa rau anh nhắc chị đổ vào thùng để tưới cây hoặc rửa xe. Anh không mua máy giặt để tiết kiệm nước, điện, lại không hại quần áo. Chị nhớ, suốt mùa hè tuần trăng mật, chị phải vật lộn với cơn nóng điên cuồng nhưng anh vẫn không mua máy điều hòa. Cho đến khi có con, ngại với mẹ vợ lên chơi, anh đành mua một chiếc. Nhưng đến lúc mẹ vợ về, anh chỉ bật vào lúc sắp đi ngủ và hẹn giờ tắt sau 2 tiếng. Anh ghi chép chi tiêu từng ngày, kiểm tra hóa đơn tiền điện, tiền nước. Tháng nào tiền điện, tiền nước giảm mà chị lại không để “dôi ra” đồng nào, dù chỉ vài chục ngàn đồng anh đều thắc mắc. Ngày Tết, anh cũng ngăn cản chị mua sắm tích trữ thực phẩm với lý do “để lâu mất chất”.

Suốt 10 năm cưới nhau, anh chị rất ít khi đi chơi với bạn bè vì ngại phải “mua vui đắt đỏ”. Chị nhớ, có lần nhóm bạn thân mời đi ăn, rồi đi hát karaoke. Đến lúc hát, chị cũng chỉ ngồi nói chuyện không hát bài nào. Đến lúc ra về, mọi người thống nhất chia đều tiền hát, chị Thủy góp 500.000 đồng nhưng anh Đủ gạt phắt đi: “Vợ chồng mình không hát nên chỉ góp một nửa thôi”. Cả đám bạn sững sờ, im lặng. Còn chị Thủy xấu hổ đến mức phát khóc. Từ đó, chị không còn dám đi đâu cùng chồng. Cưới nhau suốt 10 năm, chị chưa từng được đi du lịch. “Chỉ duy nhất một lần, cơ quan anh ấy tổ chức đi biển 3 ngày, anh ấy hỏi tôi có muốn đi cùng không. Tôi liền vui vẻ đồng ý. Không ngờ cả tháng sau đó anh ấy vẫn càu nhàu về khoản tiền phải đóng góp thêm suất đi kèm. Cuộc sống của tôi vì tính keo kiệt của anh ấy mà đã mất hết mùi vị, màu sắc, vui thú” – chị Thủy tâm sự.

  1. Chọn người luôn tôn trọng và lắng nghe bạn

Một nữ thính giả đã chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện của mình:
“Tôi quen bạn trai mình được 2 năm và đã sống chung với nhau. Anh ấy là người hiền lành, không dính vào tệ nạn xã hội nào, luôn rửa bát cho tôi sau mỗi bữa cơm và giúp đỡ việc nhà. Tuy nhiên, càng lúc tôi thấy người yêu và mình như người xa lạ. Chưa bao giờ anh lắng nghe một câu chuyện của tôi cho tới hồi kết. Ngoài giờ tan sở, anh chỉ thích chơi game hoặc xem các video giải trí trên Youtube thay vì trò chuyện cùng người yêu.
Cuộc sống của chúng tôi trôi qua bình yên tới mức nhàm chán. Hai đứa ít cãi vã, giận hờn, tôi thích làm gì anh đều không có ý kiến. Đến một ngày, tôi gặp được một người em họ của chồng. Cô ấy rất chịu khó lắng nghe tâm sự của tôi, quan tâm tới mọi người. Lúc đó, tôi mới hiểu mình cần người khác quan tâm như thế nào. Cái mà tôi cảm nhận được là sự ấm áp chứ không phải điều gì khác. Chúng tôi không còn trẻ nữa và cũng đang tính đến chuyện hôn nhân nhưng tôi không muốn mỗi ngày của mình trôi qua một cách tẻ nhạt như vậy. Tôi nên làm gì đây?”

Khi một người hoặc cả người không ai lắng nghe người kia tức là mối quan hệ của hai bạn có vấn đề. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, tình cảm của bạn đang đứng trước nguy cơ tan vỡ. Sự lắng nghe trong chuyện tình cảm có thể liên quan tới những vấn đề khó khăn mà bạn đời đang gặp phải, cách nói chuyện hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố trên.
Điều đầu tiên trong giao tiếp là sự biết lắng nghe nhau. Dù là nam hay nữ, cả hai đều cần phải biết đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khác để hiểu được họ có cảm nghĩ như thế nào, hiểu được tâm tư tình cảm của nhau. Trong lắng nghe, chúng ta không chỉ nghe đơn giản bằng tai (nhằm lưu giữ và định dạng thông tin) mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim để hiểu được những cảm xúc, nhu cầu của người kia. Điều đó có nghĩa là lắng nghe không chỉ những điều người khác nói nên lời, mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ngôn ngữ không lời: ánh mắt, nét mặt, tư thế, điệu bộ…
Người nghe phải quan sát cả thái độ người nói cộng với phán đoán, sự trải nghiệm trong cuộc sống, hoặc cần có sự đồng cảm giao thoa giữa người nói với người nghe thì mới có thể thấu hiểu được “ý tại ngôn ngoại” của thông tin người nói phát ra. Điều này sẽ giúp tạo dựng được tình cảm tốt đẹp giữa cả hai vì đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn được hiểu, được khẳng định, được đánh giá cao, được cảm thấy có ích từ cả hai phía. Sau khi đã đáp ứng nhu cầu chủ yếu đó, cả hai người có thể tập trung phát huy sự ảnh hưởng và giải quyết vấn đề.

Rất nhiều người vợ cho rằng việc lắng nghe một cách nghiêm túc là biểu hiện của tình yêu đậm hay nhạt. Việc nghe lời vợ được cắt nghĩa là biểu hiện cho thấy người chồng quan tâm đến vợ nhiều như thế nào.
Đàn ông thành đạt, giàu có, đẹp trai, đôi khi chỉ là để gái đẹp ngưỡng mộ, rất dễ gặp phải nhiều cám dỗ bên ngoài xã hội. Chưa chắc họ đã là người chồng tốt của bạn. Sự giao tiếp giữa vợ và chồng đôi khi đơn giản chỉ là sự chào hỏi nhau bằng những cử chỉ, lời nói thân mật, điện thoại nhắn tin cho nhau mỗi khi đi công tác xa, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, tặng hoa, tặng quà cho nhau…nhằm biểu lộ sự quan tâm, sự yêu thương và vun đắp tình cảm. Phụ nữ nên chọn người coi bạn là tất cả trong cuộc sống, tôn trọng và luôn lắng nghe bạn nói. Chứ không phải là một người vẻ ngoài hào nhoáng nhưng đối xử với bạn tệ bạc, không bằng người dưng.

  1. Chọn người có trình độ tương đương với mình

Nên yêu và kết hôn với người có trình độ tương đương với mình, không nên có sự chênh lệch quá về trình độ. Nếu không hai người sẽ không có điểm chung và thường bất đồng ý kiến. Sự chênh lệch trình độ giữa vợ và chồng sẽ dẫn đến những khác biệt về nhận thức, hành vi ứng xử, giao tiếp, quan niệm sống, kỹ năng sống và nhất là cách nuôi dạy con cái. Suy nghĩ khác nhau thì không thể hòa hợp trong đời sống vợ chồng.
Dù muốn hay không, bạn và người bạn đời của mình ít nhất phải ngang tầm về sự hiểu biết. Trong hôn nhân mặc dù tình yêu là yếu tố không thể thiếu, nhưng nếu có sự chênh lệch quá nhiều về học vấn cũng chính là sự chênh lệch về nhận thức và quan niệm sống. Nó sẽ làm cho người ta mệt mỏi, không thể chịu đựng nhau, tình yêu ngày càng phai nhạt đi. Đến một lúc nào đó người ta lại cất công đi tìm một nửa của mình.

Hơn nữa, khi đã là vợ chồng, các bạn sẽ còn phải gánh vác vai trò là cha mẹ của các con mình trong tương lai. Bạn khó mà dạy dỗ được một đứa con trưởng thành với nhân cách tốt dù bạn có tỏ ra là người mẹ đảm đang, hiền thục, hiểu biết, mà trong khi đó, chồng bạn lại sống bê tha và tỏ ra thiển cận, ấu trĩ trước các vấn đề trong cuộc sống và xã hội hoặc ngược lại.

Khi biết Đào yêu Trung, bạn bè đều khuyên cô nên thôi. Theo họ, hai người chênh lệch nhau quá nhiều: Đào tốt nghiệp đại học Văn hóa loại giỏi, rất năng động, tự tin. Còn Trung chỉ là anh công nhân cơ khí, hiền lành, có phần hơi cù lần.
Ban đầu, chính Đào cũng ngạc nhiên về mình. Ngày trước, cô luôn tuyên bố với bạn bè: “Người mà tớ lấy ít nhất phải hơn tớ một cái đầu”. Vậy mà khi gặp Trung, anh công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh, Vĩnh Phúc, cô lại phải lòng ánh mắt trìu mến, nhân hậu và cái vẻ hơi “ngố” của anh.

Lấy nhau, thời gian đầu họ rất hạnh phúc. Nhưng mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi sở thích hai người “đá” nhau chan chát. Trung thích nghe nhạc vàng, xem thể thao, muốn cuộc sống bình yên, đi làm về hai vợ chồng nấu cơm, rồi trò chuyện, xem tivi, đi ngủ. Trong khi ấy, Đào lãng mạn, thích nghe nhạc trẻ, nhạc quốc tế, muốn hai vợ chồng thỉnh thoảng hẹn hò đi xem phim, uống cà phê.

Cô buồn nhất là mỗi lần dẫn chồng đi gặp bạn bè hay những người cùng cơ quan. Trung ít nói. Gặp những người bạn vợ, toàn có trình độ cao hơn mình, anh lại thiếu tự tin nên càng co mình lại, rồi ngại khi ai đó hỏi nghề nghiệp.

Đào cũng không muốn đi cùng chồng đến đám cưới hay tụ tập bạn bè anh. “Toàn người ăn nói bỗ bã, cợt nhả kinh cả người”, cô nghĩ vậy nhưng chẳng dám nói ra, sợ anh tự ái.

Cho nên, dù rất yêu một ai đó và thực lòng muốn tiến tới hôn nhân với họ, bạn cùng đừng nên vội nhắm mắt gật bừa. Hãy bình tĩnh suy xét, tìm hiểu đối phương thật kỹ càng, để xem họ có thực sự là “một nửa” đích thực của mình, hay giữa hai người tồn tại quá nhiều điểm “lệch pha”. Vợ chồng chênh nhau chẳng khác gì đôi đũa lệch, phải cố gắng lắm mới cùng đồng hành hết một bữa ăn.

  1. Chọn người say mê tâm hồn của bạn

Chúng ta thường học lý thuyết rằng nội tâm của một người là thứ nên được quan tâm nhiều hơn so với ngoại hình. Nhưng xã hội thực tế chưa bao giờ diễn ra như lý thuyết.
Tất nhiên, ngoại hình này không chỉ đề cập đến hình tượng mập ốm, cách ăn mặc, mà còn là biểu cảm, phong thái của người đó.

Người bạn tôi đã 30 tuổi vẫn chưa có bạn gái, vì thế mẹ anh ta nhờ người giới thiệu giúp để anh ta đi xem mắt.

Ngày hôm đó, anh ta đợi cô gái kia một tiếng đồng hồ, cô gái đó thực sự xinh đẹp, nhưng tính cách lại quá tệ. Điển hình là việc đến trễ, không hề cho một lời giải thích, điều này khiến ấn tượng ban đầu của anh ta với cô gái đó khá tệ.

Sau đó, anh ấy có chủ động trò chuyện vài lần, nhưng cô gái kia không đáp lại, chỉ ngồi nghịch điện thoại với vẻ mặt lạnh lùng.

Lúc đó, anh ấy cũng hiểu ra rằng cô gái kia không có ý với anh. Vốn dĩ tính kết thúc bữa ăn trong vui vẻ và anh tìm cớ về báo cáo với mẹ, sau này không xem mắt nữa.

Nhưng không ngờ lúc gọi thực đơn, cô gái kia gọi toàn món đắt tiền, ngay cả khi người phục vụ đã nhắc nhở hai người họ không thể ăn nhiều như vậy, cô gái kia vẫn chẳng để ý.
Mất lịch sự, lãng phí thức ăn, dù có là cô gái xinh đẹp thì anh cũng không dám gặp lần hai nữa.

“Vẻ bề ngoài” thực sự rất quan trọng, nhưng nó không chỉ là việc make up để có một gương mặt đẹp, hay ăn mặc thật sành điệu hợp thời trang, mà nó còn bao gồm cả cách ứng xử với người xung quanh. Phẩm chất toàn diện của một người không chỉ có khuôn mặt, còn có sự tu dưỡng nhân phẩm! Nếu phụ nữ dùng sắc đẹp để hấp dẫn đàn ông thì chỉ có thể giữ chân họ ở bên mình một thời gian ngắn. Bởi, sắc đẹp chóng tàn, không có ai có thể xinh đẹp mãi như thời con gái. Phụ nữ 40 tuổi dù có chăm sóc sắc đẹp đến mấy cũng không thể hấp dẫn như gái 20. Vì thế, muốn giữ chân họ ở bên mình lâu dài, bạn phải khiến cho họ say mê tâm hồn của bạn. Dù khi bạn 50 hay 60 tuổi, họ vẫn tình nguyện nắm tay bạn đi khắp thế gian.

  1. Chọn người luôn bao dung với bạn

Hẳn nhiều người sẽ cho rằng, bao dung là chấp nhận, là tha thứ cho người khác trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó, nhất là khi họ phạm sai lầm. Điều này cũng đồng nghĩa với sự vị tha, rộng lượng của chính người trong cuộc. Hiểu như vậy cũng có phần đúng, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, sự bao dung có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều.

Trong cuộc sống hôn nhân, bao dung thể hiện ở sự tôn trọng, thấu hiểu những khác biệt giữa mình và người bạn đời, đồng thời chấp nhận những điều mà bản thân không tán thành trong một giới hạn nhất định để hướng họ tự giác thực hiện những điều tốt đẹp. Do đó, khi bạn bao dung, nghĩa là bạn đủ dũng cảm, kiên nhẫn để chấp nhận những khiếm khuyết và thấu hiểu người bạn đời của mình, cùng hướng đến khả năng cảm hóa họ, kể cả khi từng xuất hiện sai lầm trong quá khứ. Đó được xem là một trong những bí quyết hạnh phúc gia đình.
Sẽ có lúc trong đời sống vợ chồng mắc phải những sai lầm, những va chạm, những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Chính vì vậy, vị tha, bao dung là những gia vị không thể thiếu trong hôn nhân để mỗi cặp vợ chồng cùng đi hết chặng đường. Bạn hãy chọn những người có thể luôn bên bạn, chấp nhận quá khứ, mọi sai lầm của bạn, nói với bạn những lời khuyên chân thành và luôn tìm mọi cách bảo vệ, giúp đỡ bạn.

Bí quyết hôn nhân hạnh phúc của nữ hoàng Anh và chồng cũng chính là sự bao dung. Vào ngày kỷ niệm ngày cưới vàng son của họ, Philip đã nói: “Tôi nghĩ bài học chính mà chúng tôi đã học được là lòng khoan dung là yếu tố cần thiết của bất kỳ cuộc hôn nhân hạnh phúc nào”.
“Có thể nó không quá quan trọng khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, nhưng nó hoàn toàn quan trọng khi mọi thứ trở nên khó khăn. Bạn có thể hiểu, từ tôi, rằng nữ hoàng có phẩm chất khoan dung dồi dào”.
Trước đó, vào năm 1953, trong lễ đăng quan của nữ hoàng Anh, hoàng thân Philip đã thề sẽ trở thành “người đàn ông và chân tay” của nữ hoàng. Và đúng như lời hứa, ông đã trở thành người chồng tận tụy, sức mạnh của nữ hoàng trong suốt cuộc hôn nhân 73 năm và 68 năm trị vì của bà.

“Nhân vô thập toàn”, đã là con người thì không tránh khỏi những lúc sai lầm hay thói hư tật xấu. Đàn ông dẫu sao cũng tựa như đứa trẻ trong hình hài to xác, có già dặn, chín chắn nhưng cũng có lúc lầm lỡ. Phụ nữ dẫu có dịu dàng đằm thắm, nết na đến mấy cũng khó tránh những khi yếu đuối dại khờ, lầm đường lạc lối. Chính vì vậy, hôn nhân chỉ có thể hạnh phúc khi chúng ta biết sống bao dung cho người khác cũng như tìm được người có thể bao dung cho mình.

  1. Chọn người luôn đối xử tốt với gia đình

Từ xưa tới nay, lòng hiếu thảo luôn được lấy làm đầu, đây là đức tính truyền thống của người Việt Nam. Cho dù cha mẹ giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay ốm đau, người đàn ông hiếu thảo sẽ không chê trách sự bất lực và khiếm khuyết của cha mẹ mình.
Cha mẹ luôn hết lòng với con cái. Nếu một người đàn ông luôn đổ lỗi cho cha mẹ vì mọi lý do, luôn phàn nàn về sự bất tài của cha mẹ và thậm chí từ chối phụng dưỡng cha mẹ thì anh ta chắc chắn không phải là người tốt.

Khi ở bên một người đàn ông như vậy, cha mẹ bạn sẽ không được chăm sóc tốt. Họ sẽ hiếm khi được quan tâm, bởi vì một người đàn ông như vậy sẽ thiếu lòng biết ơn.
Chỉ những người đàn ông có lòng biết ơn mới trân trọng bạn, quan tâm bạn và cùng bạn chia sẻ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hôn nhân. Ngược lại, đối với những người đàn ông không có lòng biết ơn anh ta sẽ chỉ cảm thấy rằng những nỗ lực của bạn là điều hiển nhiên.
Cho dù bạn ở bên một người đàn ông tốt như thế nào, nếu không có lòng biết ơn thì bạn cũng sẽ không hạnh phúc. Một người không yêu cha mẹ mình thì làm sao có thể yêu người khác được?
Đàn ông dù có nói bao nhiêu lời có cánh với bạn, mua cho bạn bao nhiêu thứ đắt tiền, nhưng anh ta thậm chí chẳng biết bố mẹ mình thích ăn gì, anh chị em có gặp khó khăn gì không, thường xuyên quát nạt bố mẹ, thì đều là kiểu đàn ông vô ơn, sự tốt đẹp mà anh ta dành cho bạn, cũng chỉ là giả dối mà thôi. Bạn thử nghĩ mà xem, đến bố mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng anh ta lớn khôn, dành cho anh ta bao nhiêu sự hy sinh, bao nhiêu tình thương yêu đó để có ngày hôm nay mà anh ta còn chẳng biết ơn và đối xử tốt.

Bạn chỉ là một người phụ nữ xuất hiện trong đời, làm sao anh ta có thể yêu thương, trân trọng bạn cả đời? Hãy chọn một người đàn ông luôn đối xử tốt với gia đình, bạn sẽ thấy ấm lòng và an tâm hơn. Vì sau này anh ta cũng sẽ sống có tình có nghĩa với vợ con, và tôn trọng, yêu thương gia đình vợ.

  1. Chọn người luôn thể hiện tình yêu với bạn bằng hành động

Nhà văn, nhà viết kịch người Pháp Romain Rolland từng nói: “Khi bạn thực sự yêu ai đó, bạn sẽ quên đi nỗi đau và niềm vui của chính mình, chỉ quan tâm đến nỗi đau và niềm vui của người ấy”.

Tình yêu sẽ khiến một người cống hiến hết mình. Khi đàn ông yêu một người phụ nữ thật lòng, lời nói và hành động của anh ấy rất khác.
Phụ nữ thường dè dặt trong tình yêu. Người ta cứ nói rằng phụ nữ yêu bằng tai, thích nghe lời ngọt ngào. Trên thực tế, họ cũng rất quan tâm đến hành động thực tế của đàn ông và những gì anh ấy có thể làm cho cô. Khi đàn ông thổ lộ tình cảm, có lẽ bạn đã rất hạnh phúc. Những lời yêu thương rất ngọt ngào, lãng mạn. Nhưng có những người chỉ biết hứa hẹn, nói ra những lời đường mật nhưng đến khi bạn gặp khó khăn, đến khi tình cảm giữa hai bạn trục trặc, người ấy có ở bên bạn để che mưa chắn gió cho bạn hay không? Hay là anh ta chỉ biết im lặng, bỏ đi và đổ lỗi cho duyên phận không còn.

Khi người đàn ông bày tỏ tình cảm với bạn thông qua hành động, điều này chứng tỏ chàng rất yêu thương bạn và hiểu bạn. Khi bạn ốm đau, người thực sự yêu thương bạn sẽ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, đưa bạn đi bệnh viện và ở bên bạn không rời xa. Người đàn ông chỉ thể hiện bằng lời nói, chỉ nhắn tin nhắc bạn ăn cơm và uống thuốc khi bạn ốm nhưng chưa chắc đã chịu đến nhà chăm sóc bạn, mua đồ ăn cho bạn, đưa bạn đi bệnh viện, trả tiền viện phí cho bạn.

Vì vậy, phụ nữ dù yêu sâu đậm đến đâu thì bạn vẫn nên nhìn vào những điều mà đàn ông làm vì bạn chứ đừng tin những lời anh ta nói. Trên đời này thật ra không có người vô tâm, chỉ là tâm của họ không hướng về mình mà thôi.

Kết:
Hãy chọn hạnh phúc từ tâm của chồng thay vì nhìn vào ví tiền của họ.
Thường mọi người sẽ nhìn vào cuộc sống của người phụ nữ và đánh giá họ hạnh phúc nếu họ mặc những chiếc áo đẹp, xách chiếc túi hàng hiệu. Nhưng không ai biết rằng “tài sản” lớn nhất của người phụ nữ chính là người chồng thật sự yêu thương vợ con.

Đôi khi lấy chồng giàu sang nhưng lại đơn côi một mình trong chính căn nhà rộng lớn lạnh lẽo. Họ khao khát được có một tấm lưng để dựa vào, để thấy được sự trân trọng từ người chồng. Hãy chắc chắn rằng, người đàn ông của bạn sẽ luôn dành tình yêu thương và mọi điều tốt đẹp đến cho bạn bằng chính nỗ lực và phấn đấu không ngừng hơn là bằng những đồng tiền được tính toán đầy cẩn thận!

Viết một bình luận