MỌI NGƯỜI ĐỀU NÊN THỌ TRÌ NGŨ GIỚI.
Ngũ giới tuy bắt nguồn từ Phật giáo, nhưng đây không chỉ là quy chuẩn dành riêng cho người con Phật mà còn là những giá trị căn bản nhất, là thước đo đạo đức của một con người.
Vì thế, ngũ giới là thường giới của tất cả mọi người trong đời, không phân biệt già trẻ, trai gái, quốc gia, tín ngưỡng, hễ là người tại gia thì đều phải giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn.
Nếu người nào giữ gìn ngũ giới của mình được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy đã tạo được đại thiện nghiệp giữ giới, giúp người đó cơ hội nhận quả tốt, đem lại sự lợi ích trong kiếp hiện tại và vô số kiếp vị lai.
Ngũ Giới là gì?
Trong bài kệ số 246-247 thuộc Phẩm Cấu Uế – Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng:
Ai mà có thói sát sinh
Nói năng gian dối, tính tình tà dâm
Say sưa, trộm cắp, hư thân
Sống đời như thế trầm luân vô vàn
Coi như ngay cõi nhân gian
Tự đào bỏ mất thiện căn của mình.
Như vậy, ngũ giới là 5 giới cấm, là 5 điều đạo đức mà Đức Phật đã chế ra để ngăn chặn những tưởng niệm ác, những nói năng chẳng lành và những hành động bất chính, 5 điều răn đó là:
- Không sát sinh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu, bia và các chất say
Nếu người nào không giữ ngũ giới đầy đủ thì người ấy phải chịu những tai hại xấu xa. Nếu người nào giữ ngũ giới đầy đủ trọn vẹn, thì người ấy được những quả báu tốt lành.
Năng lực của Ngũ giới:
Giới luật của đạo Phật nhằm giúp cho con người một phương pháp không tạo nhân xấu, để bớt được khổ vui, lợi mình, lợi người. Giới có sáu năng lực:
+ Chế ngự: ngăn ngừa ba nghiệp (thân, khẩu, ý) không cho buông lung.
+ Thanh lương: vì ba nghiệp thanh tịnh cho nên không bị thiêu đốt bởi các dục sinh ra, làm cho tâm được mát mẻ, nhẹ nhàng.
+ Nghiệp: ngăn ngừa những lỗi lầm ý xấu tác động để ác nghiệp đoạn trừ, làm cho thiện nghiệp phát triển. Đức Phật dạy: “Như Lai nói tác ý tức là nghiệp”[4].
+ Luật nghi: những quy định có tính xây dựng đạo đức con người và hoàn thiện nhân cách.
+ Diệu hạnh: những hành động xứng đáng được mọi người khen ngợi.
+ Phòng hộ: giữ gìn và bảo vệ còn gọi là “phòng phi chỉ ác” (ngăn ngừa những điều xấu, chấm dứt những việc ác).
Trong Giới kinh, Đức Phật đã thuyết giảng về 5 tai hại của người không có giới, và 5 quả báu của người có giới đầy đủ trọn vẹn như sau:
Quả khổ của người phạm giới:
“Này các người tại gia! Có 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới, 5 quả xấu, quả khổ ấy là:
- Làm tiêu hao của cải tài sản lớn lao, do nhân dể duôi (do thất niệm).
Đó là quả xấu thứ nhất của người phạm giới, người không có giới.
- Có tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả xấu thứ nhì của người phạm giới, người không có giới.
- Có bất-thiện-tâm e ngại, sợ sệt khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn…
Đó là quả xấu thứ ba của người phạm giới, người không có giới.
- Có giới có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
Đó là quả xấu thứ tư của người phạm giới, người không có giới.
- Có giới chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa- ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Đó là quả xấu, quả khổ thứ năm của người phạm giới, người không có giới.
Này các người tại gia! Đó là 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới như vậy”.
Quả báu của người có giới:
Đức Phật lại nói tiếp:
“- Này các người tại gia! Có 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn. 5 quả báu ấy là:
- Có nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi (có trí-nhớ biết mình).
Đó là quả báu thứ nhất của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
- Có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả báu thứ nhì của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
- Có đại- thiện-tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn…
Đó là quả báu thứ ba của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
- Có đại- thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
Đó là quả báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
- Có giới chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới (cõi người, hoặc 6 cõi trời dục giới), hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy.
Đó là quả báu thứ năm của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
Này các người tại gia! Đó là 5 quả báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn như vậy”.
Lời kết
Qua điều thứ 5 của Quả báu của người có giới, ta có thể thấy, sự thật mỗi người đã sinh ra trong đời này, chắc chắn tiền-kiếp của người ấy có ít nhất một kiếp giữ được ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn.
Vì thế, mỗi người chúng ta, cho dù là Phật tử hay không phải Phật tử, đều không nên lơ là, buông lỏng bản thân mà cần phải cố gắng, tinh tấn giữ gìn trọn vẹn ngũ giới. Làm như thế mới không hổ thẹn với nhân phẩm quý báu vốn có trong mỗi con người từ khi sinh ra.
Trong Phần tiếp theo của bài “Tìm hiểu về ngũ giới“, chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu chi tiết về điều-giới tránh xa sự sát sinh, là giới đầu tiên trong ngũ giới. Mời quý độc giả đón đọc.
Bài viết được dựa theo quyển “Ngũ giới là thường giới của mọi người”.