Ngũ giới để hoàn thiện nhân cách – Phần 5

PHẦN 5: ĐIỀU GIỚI TRÁNH XA SỰ NÓI DỐI

Trong ngũ giới, điều-giới tránh xa sự nói dối là giới mà nhiều chúng sinh phạm phải nhất. Thực sự là rất khó để giữ được giới này trong sạch trọn vẹn.

Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật bảo Tôn Giả A Nan: “Người ta sinh ra ở đời, họa từ trong miệng mà sinh ra, nên phải giữ gìn cửa miệng hơn cả lửa mạnh, vì lửa mạnh có đốt cháy cũng chỉ đốt cháy một đời này mà thôi, còn như nói ác sẽ đốt cháy trong vô số kiếp. Lửa chỉ đốt cháy nhà cửa, của cải của thế gian, còn lời nói ác đốt cháy bảy thứ của cải của Thánh nhân.”

Nói dối là một thói xấu và là một căn bệnh của con người ngày nay.

Mỗi chúng ta cần phải tôn trọng sự thật, và để nuôi dưỡng lòng từ bi mỗi người cần tránh sự dối trá lừa gạt để không gây cho người khác sợ hãi, buồn phiền, đau khổ. Đây cũng là để bảo tồn sự trung tín trong xã hội, mọi người tin cậy, đoàn kết giữ cho xã hội được ổn cố, vì nếu một xã hội không ai tin ai thì mọi công việc từ nhỏ đến lớn đều thất bại.

Sự nói-dối phát sinh phần nhiều do khẩu: “nói bằng lời nói” và đôi khi cũng phát sinh do thân: bằng cử động lắc đầu phủ định, gật đầu khẳng định,… mặc dù vậy, vẫn gọi là nói-dối.

I. 4 Kiểu nói dối:

  • vọng ngữ,
  • ỷ ngữ,
  • lưỡng thiệt,
  • ác khẩu.
  1. Vọng ngữ:

Là như chuyện không nói có, có nói không; việc quấy nói phải, phải nói quấy, điều nghe nói không nghe, không nghe nói nghe; hoặc trước mặt khen rồi, sau lưng chê mạt. Tóm lại, những lời trước sau mâu thuẫn, chân giả khác nhau, trong ngoài bất nhất, đều thuộc về nói dối cả.

  1. Ỷ ngữ:

Là nói thêu dệt. Việc ít xích ra nhiều làm cho người sân hận, trau chuốt lời nói nói để chữa lỗi mình, hoặc dùng lời ngọt ngào êm tai để cám dỗ khiến cho người say mê đắm nhi­êm, cũng có khi là nói châm biếm làm cho kẻ nghe phải khổ tâm. Đại khái những lời nói thêm bớt không đúng nghĩa chơn thật, cho đến văn chương bóng bảy phù phiếm, làm cho người mê loạn, tâm ý phóng đãng theo việc tà, hoặc sanh niệm vơ vẩn thương buồn, đều thuộc về nói thêu dệt.

  1. Lưỡng thiệt:

Lưỡng thiệt là nói đôi chiều. Tức là đem chuyện đây học kia, đem chuyện kia học đây, đến chỗ này nghiêng theo bên này đi chỗ nọ phụ theo bên nọ, làm cho đôi bên sanh ra giận hờn thù oán nhau, khiến bạn bè đang thân trở thành nghi ngờ chống đối.

  1. Ác khẩu:

Ác Khẩu là nói thô ác: mắng chửi la hét, dùng nhiều lời lẽ nặng nề không thanh bai, làm cho người nghe phải khổ đau hoặc buồn rầu sợ hãi.

Chi-Pháp của điều-giới Nói dối trong ngũ giới

Người phạm điều-giới nói-dối khi hợp đủ 4 chi-pháp:

  • Điều không thật, vật không có.
  • Tâm nghĩ lừa dối.
  • Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình.
  • Người nghe tin theo sự lừa dối ấy.

Nếu người nào có đầy đủ 4 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới nói-dối.  Nếu  không đủ 4 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói-dối.

II. Giảng Giải Về Sự Nói Dối

  1. Những điều không thật như:

–   Điều mình không thấy, nói rằng: tôi thấy.

–   Điều mình không nghe, nói rằng: tôi nghe.

–   Điều mình không biết, nói rằng: tôi biết.

–   Điều mình thấy, nói rằng: tôi không thấy.

–   Điều mình nghe, nói rằng: tôi không nghe.

–   Điều mình biết, nói rằng: tôi không biết,…

  1. Những vật không có như:

–   Vật ấy mình không có, nói rằng: tôi có.

–   Vật ấy mình có, nói rằng: tôi không có, v.v…

  1. Tâm nghĩ lừa dối người nghe có 2 trường hợp:
  • Tâm  nghĩ  lừa  dối    nghe,  nhưng không gây thiệt hại đến  cho  người tin  theo,  thì chỉ phạm điều-giới nói-dối mà không cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới.
  • Tâm nghĩ lừa dối người nghe, để gây thiệt hại đến cho người tin theo, thì thật là lừa dối, cho nên phạm điều-giới nói-dối, cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới.
  1. Sự cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động có 4 cách:
  • Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói-dối hoặc bằng thân cử động lắc đầu phủ định điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật.
  • Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu nói-dối, hoặc bằng thân ra hiệu.
  • Viết chuyện không thật trên báo, trong thư, nói điều không thật trên đài phát thanh,… lan truyền lừa dối độc giả, thính giả,… tin theo cho là thật.
  • Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh điều không thật vào băng đĩa,… có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả tin theo.

Người nào có tác-ý trong bất-thiện-tâm lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối  của  mình,  nên  hội  đầy  đủ  4  chi-pháp thì người ấy phạm điều-giới nói-dối, tạo ác-nghiệp nói-dối. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối ấy, nên không hội đủ 4 chi-pháp thì người ấy không phạm điều-giới nói-dối.

III. Ác Nghiệp Nặng Nhẹ Của Điều Giới Nói Dối

Người phạm điều-giới nói-dối tạo ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ căn cứ vào sự thiệt hại nhiều hoặc ít đến cho người tin theo sự nói-dối ấy.

  • Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối đã gây ra sự thiệt hại nhiều đến cho người tin theo sự nói-dối, thì người nói-dối ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nặng, ác nghiệp này có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
  • Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối nhưng không gây ra sự thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói-dối, thì người nói-dối ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ, ác nghiệp này không có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác- giới, mà có cơ hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh.

IV. Quả Báu Của Đại-Thiện-Nghiệp Của Người Không Nói-Dối

Người nào giữ gìn ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, trong đó có điều-giới “có tác ý tránh xa sự nói-dối”.

–    Sau khi người ấy chết, đại-thiện- nghiệp không nói-dối ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.

–    Hoặc sau khi người ấy chết, đại- thiện-nghiệp không nói-dối ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.

Sau khi vị chư-thiên chết tại cõi trời ấy, nếu trường hợp đại-thiện-nghiệp không nói- dối ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người trong cõi người này.

Thì cả hai trường hợp này, người ấy sẽ có được quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không nói-dối trong kiếp quá-khứ của người ấy.

Trong Chú-giải Tiểu dụng giảng giải về 14 quả báu của dục-giới đại-thiện-nghiệp không nói-dối trong kiếp quá-khứ.

Theo đó, Kiếp hiện tại của người ấy được những quả báo tốt đẹp sau:

  • là người có ngũ-quan (5 giác-quan của con người) trong sáng.
  • là người có giọng nói ngọt ngào, dễ nghe.
  • là người có đôi hàm răng đều đặn, đẹp đẽ.
  • là người có thân hình không mập quá.
  • là người có thân hình không ốm quá.
  • là người có thân hình không thấp quá.
  • là người có thân hình không cao quá.
  • là người có da thịt mịn màng, mềm mại.
  • là người mà trong miệng có mùi thơm tho thoát ra dễ chịu như mùi hoa sen.
  • là người nói được nhiều người tin theo, không có ai ganh tỵ.
  • là người nói được nhiều người muốn nghe.
  • là người có cái lưỡi mềm mỏng, màu hồng như cánh hoa sen đỏ.
  • là người có định tâm vững vàng.
  • là người có lời nói rõ ràng, ý nghĩa sâu sắc, được nhiều người tin tưởng và tôn trọng.

Đó là 14 quả báu tốt của đại-thiện-nghiệp không nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.

V. Quả Xấu Của Ác-Nghiệp Của Người Phạm Điều-Giới Nói-Dối

Người nào phạm điều-giới nói-dối gây ra sự thiệt hại dù ít dù nhiều cũng tạo ác-nghiệp nói-dối.

–    Nếu là ác-nghiệp nói-dối nặng, thì người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói-dối ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát khỏi được cõi ác-giới.

Sau khi thoát khỏi cõi ác-giới, trường hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

–   Và trường hợp, nếu người nào phạm điều- giới nói-dối, tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ, người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói-dối ấy không có cơ hội cho quả tái-sinh, mà đại-thiện- nghiệp nào khác có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người.

Thì cả hai trường hợp này, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp nói-dối trong kiếp quá-khứ của người ấy.

Quả xấu của ác-nghiệp nói-dối có 14 quả xấu là hoàn toàn trái ngược với quả tốt của đại-thiện- nghiệp không nói-dối.

Theo đó, Kiếp hiện-tại của người ấy chịu những quả xấu sau:

  • là người có ngũ quan (5 giác quan của con người) không trong sáng.
  • là người có giọng nói không rõ, khó nghe.
  • là người có đôi hàm răng không đều đặn, xấu xí.
  • là người có thân hình quá mập.
  • là người có thân hình quá ốm.
  • là người có thân hình quá thấp.
  • là người có thân hình quá cao.
  • là người có da thịt sần sùi, xấu xí.
  • là người mà trong miệng thường thoát ra mùi hôi khó chịu.
  • là người nói không ai tin theo.
  • là người nói không ai muốn nghe.
  • là người có cái lưỡi cứng và ngắn.
  • là người có tâm thường thoái chí nản lòng.
  • là người có tật nói cà lăm, hoặc bị câm điếc.

Đó là 14 quả xấu của ác-nghiệp nói-dối mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong kiếp quá-khứ.

–   Nếu người nói dối không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo lời nói-dối ấy, thậm chí còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho người tin theo thì người nói-dối tuy phạm giới nói-dối, nhưng không có lỗi.

VI. Thay lời kết về Điều giới Không nói dối

Sống ở đời với công ăn việc làm, với phải trái, đục trong phức tạp, người Phật tử khó giữ giới này cho trọn vẹn, nên có thể linh động chút ít. Nói dối để đùa vui, nói dối mà không hại mình, hại người thì có thể châm chước. Tuy nhiên, nếu thiếu chánh niệm, tỉnh giác thì sự nói dối ấy có thể đưa đến thói quen nguy hại, trở thành “thường nghiệp” thì rất nguy hiểm.

Khi “nói dối mà chơi” nhiều quá, ta sẽ dần dần đánh mất sự đứng đắn, chững chạc cần thiết của một nhân cách trưởng thành; sẽ không còn ai tin cậy để giao phó những công việc quan trọng có tính mô phạm, giáo dục. Tốt nhất, có sao nói vậy, sự thật sao nói vậy, để tự rèn luyện phẩm chất đứng đắn, cao đẹp của con người.

Nếu giữ giới không nói dối, sẽ được mọi người mến trọng tin cậy, thường ưa gần gũi, việc làm thuận lợi; và bởi lời chân thật phát từ tâm chân thật, nên các phẩm lành tăng tiến, thường hưởng phước nhân thiên.

Viết một bình luận