Cảm nhận về “Hai số phận – Kane and Abel”

“Never seek the wind in the field—it is useless to try and find what is gone.”

―― Jeffrey Archer, Kane and Abel

Đây là tác phẩm đầu tiên dẫn tôi tới nhà văn Jeffrey Archer và biến tôi thành một tín đồ của ông. Một nhà văn với các thủ pháp văn chương xuất sắc, câu chữ chân thực không màu mè nhưng lại cuốn hút một cách đầy ma lực. Tôi không biết mọi người định nghĩa thế nào là một tiểu thuyết kinh điển. Với tôi nó chỉ đơn giản là không ngừng, không ngừng lật sang trang sau, không thể rời mắt khỏi các con chữ, và đọc đi đọc lại bao nhiêu lần cũng không thấy đủ. Quan trọng nhất, đó là những tác phẩm giúp tôi định vị được con người mình, giúp tôi đào sâu được vào bên trong mình, hiểu mình hơn cũng giúp tôi hiểu người hơn, hiểu thế giới xung quanh hơn. Cảm giác kích thích đó, các bạn đã trải qua chưa?

Tôi đến với Kane và Abel hoàn toàn là do duyên số, không có định hướng trước bởi thời bấy giờ bố mẹ tôi đã qua cái tuổi mê sách mà chuyển sang mê kiếm tiền mất rồi. Tôi như một đứa trẻ đói kiến thức tự mò mẫm một mình trong bóng tối, sờ được cái gì, tôi vớ lấy cái đấy. Và thế là tôi vớ được Kane và Abel.

Không giống như những truyện trước đó tôi đã từng đọc, Hai số phận cuốn hút tôi ngay từ những dòng chữ đầu tiên: “Chỉ sau khi chết rồi. cô ta mới không kêu hét nữa. Và cũng chính vào lúc đó đứa bé mới bắt đầu gào khóc”. Mở đầu câu truyện là một bi kịch, đứa bé sinh ra theo sau cái chết của mẹ mình, đón nhận cậu là sự tĩnh mịch của núi rừng hoang dã. Một cuộc đời có vẻ như định trước sẽ trắc trở, khó khăn với cậu bé. Abel Rosnovski đã xuất hiện như thế đấy. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đó về cậu bé chỉ gói gọn trong 3 từ: Thật bất hạnh! Mãi cho đến sau này tôi mới biết rằng, vội vàng thương hại một ai đó thật là nông nổi, mình có tư cách đấy hay không, và liệu người ta có muốn mình thương hại họ hay không? Thế nhưng lòng trắc ẩn là có sẵn trong mỗi chúng ta, việc thương xót một số phận éo le là điều bình thường với mỗi người. Chỉ có điều, bây giờ tôi không còn nghĩ đơn giản như thế nữa…

Cùng thời điểm Abel được sinh ra, trong một bệnh viện sang trọng dành cho người giàu, William Lowell Kane cất tiếng khóc chào đời bên cha mẹ và dàn y bác sĩ. Đọc đến đây tôi đã định vị được 2 nhân vật chính của câu truyện, 2 cậu bé sinh ra cùng một thời điểm, với hai số phận khác nhau. Với khả năng sử dụng nhuần nhuyễn thủ pháp kết cấu song song của tác giả, biên bản cuộc đời của nhà ngân hàng và nhà khách sạn, một người Mỹ và một người Ba Lan, một vị quý tộc và một người nhập cư hiện ra không đứt đoạn, mạch lạc, rõ ràng, tỉ mỉ. Sự tài hoa của Jeffrey Archer làm tôi liên tưởng đến mạch truyện giống như một dòng suối. Ông dẫn độc giả đi từ thượng nguồn xuống tới hạ lưu, có đôi khi trải qua thác ghềnh, có đôi khi là đá ngầm nhọn hoắt, suốt quãng đường đi mọi thứ diễn ra thật tuần tự. Ngòi bút tài tình của ông như một thứ ma lực, cuốn hút người đọc cứ phải đi tiếp, đi tiếp, xem phía trước rốt cuộc có cái gì, không thể ngừng được. Cuộc đời hai nhân vật cứ thế được trải ra trước mắt độc giả, khiến ta sững sờ trước sự hiểu biết sâu sắc của tác về quân sự, về thương trường, về chính trị và đặc biệt là sự thấu hiểu sâu sắc về con người, những diễn biến tâm lý diễn ra cứ tuần tự nhẹ nhàng mà thấm đẫm vào lòng người đọc…

Điều mang lại nhiều hứng thú nhất cho tôi không phải là những câu chuyện tình yêu mà là sự căng thẳng đến nghẹt thở của những câu chuyện kinh doanh, quá trình làm giàu trong cuộc đời hai nhân vật chính. Nghị lực sống phi thường và ý chí vô cùng mạnh mẽ của họ như một thứ thuốc dopping làm tôi khi đó vô cùng kích động và sung sướng, thật buồn cười với một đứa trẻ con, sung sướng như vớ được vàng khi đọc những thứ mà bản thân chỉ lơ mơ hiểu. Con đường bước lên đến đỉnh của ánh hào quang ngày càng khắc họa rõ nét tính cách của hai nhân vật. Ở tuổi thanh thiếu niên, tôi đã từng thích cậu bé Abel hơn, một người đi lên đến đỉnh cao nhất từ nơi xuất phát thấp nhất, còn gì để khâm phục hơn được nữa, tuy nhiên câu chuyện càng cao trào, tôi lại thích Kane hơn, một quý ông đáng kính, sống tình cảm và không hề máy móc như cha của mình.

Một trong những phần cuốn hút tôi nhất trong tác phẩm chính là những diễn biến lịch sử có thật, bối cảnh của Ba Lan trong cả hai Thế chiến, sự kiện tàu Titanic, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 1929, đến những năm gian truân của chiến tranh lạnh, từ Đông Âu, xuống Thổ Nhĩ Kỳ rồi qua đất Mỹ, tất cả đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của hai nhân vật. Mỗi nhân vật được tác giả xây dựng từ khi mới sinh, cho tới lúc trưởng thành và cho tới tận khi tuổi già ập đến, tất cả đều chạy dọc theo tiến trình lịch sử có thật. Điều này làm cho độc giả cảm giác như đang đồng hành cùng họ, hiểu được cảm xúc của họ, hiểu được những hành động của họ, hiểu được các quyết định của họ. Một cảm giác vô cùng chân thật và tuyệt vời.

Câu chuyện được kết thúc bởi hai ánh mắt chạm nhau ngắn ngủi giữa một đêm đông giá buốt, một cái kết đáng ngạc nhiên và ấn tượng đã khép lại tất cả những gì đã châm ngòi cho cuộc chiến giữa Kane và Abel. Đây cũng là một trong những tài tình của tác giả khi miêu tả cảm xúc của nhân vật, mọi thứ chỉ được ông miêu tả qua ánh mắt, qua nét mặt, phía sâu trong nội tâm nhân vật hay những lý giải về cảm xúc hầu như không có, qua đó gợi mở cho người đọc tự suy ngẫm, tự nhận định, tự đánh giá hai nhân vật. Cách hành văn đầy khách quan của tác giả các khiến người đọc có cảm giác gần gũi với nhân vật của ông hơn, cảm giác như những người bạn thực sự đi bên cuộc đời của nhau, chứ không phải là một đấng Chúa trời có thể biết mọi việc.

Khi gấp cuốn sách này lại, bạn sẽ hiểu được rằng đây không phải là tác phẩm để đọc 1 lần, hãy đồng hành với hai nhân vật ở mỗi giai đoạn của cuộc đời bạn, thứ bạn học được sẽ nhiều hơn bạn nghĩ. Một tác phẩm nhân văn, giúp ta biết trân trọng những gì đang có và sống một cuộc đời đáng sống hơn, một tác phẩm giúp ta hiểu rằng đối thoại, chia sẻ là rất quan trọng, rằng sự tha thứ là cần thiết để gột rửa tâm hồn của chính mình.

Lần gần đây nhất đọc lại tác phẩm này, trong đầu tôi bỗng văng vẳng lời bài hát “It’s a small world”

It’s a world of laughter
A world of tears
It’s a world of hopes
And a world of fears
There’s so much that we share
That it’s time we’re aware
It’s a small world after all…

Viết một bình luận